Quan điểm công chúng Hôn_nhân_đồng_giới_tại_Việt_Nam

Theo kết quả điều tra quốc gia về "Quan điểm xã hội với hôn nhân cùng giới" được Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam) và Viện Nghiên cứu xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) công bố ngày 26/3/2014 [16]:

  • 90% người dân Việt Nam biết về đồng tính và 62% biết về việc sống chung như vợ chồng giữa hai người cùng giới tính.
  • 30% người dân có quen ai đó là người đồng tính (họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm...).
  • 33,7% số người được hỏi ủng hộ việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới. Về việc công nhận quyền sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới tính, số người ủng hộ là 41,2%. Hình thức sống chung cùng giới nên được hợp pháp hóa theo dạng "kết hợp dân sự" hoặc "đăng ký sống chung như vợ chồng.
  • Khi được hỏi về một số quyền cụ thể được đề cập đến trong Luật Hôn nhân – Gia đình mà các cặp đôi cùng giới nên được pháp luật bảo vệ, có 56% người dân cho rằng cặp đôi cùng giới nên có quyền cùng nhận con nuôi và nuôi con, 51% ủng hộ quyền sở hữu tài sản chung, 47% ủng hộ quyền thừa kế tài sản.
  • Đa số người dân cho rằng việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới không ảnh hưởng đến gia đình (72,7%) hay cá nhân họ (63,2%). Xét theo vùng miền, người miền Bắc và người miền Trung ủng hộ tích cực hơn (78% và 74%) so với miền Nam (68%).
  • Những người trẻ từ 18-29 tuổi và những người có trình độ học vấn từ đại học, cao đẳng trở lên có tỷ lệ ủng hộ hôn nhân đồng giới cao hơn.
  • Những trường hợp có quen biết người đồng tính xác suất ủng hộ hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới lớn gấp đôi so với các trường hợp không quen biết. Điều này cho thấy việc xuất hiện công khai, sống thật của người đồng tính có tác động tốt đến thái độ ủng hộ của xã hội.[17]
  • 90% cho rằng nếu hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính thì sẽ có tác động đến cộng đồng xã hội kể cả tích cực lẫn tiêu cực. 20% cho rằng việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính sẽ có tác động tiêu cực đến gia đình họ trong khi 73% số người được hỏi cho rằng việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới không ảnh hưởng đến gia đình hay cá nhân họ.[18].

Cuộc điều tra quốc gia lần đầu tiên được thực hiện tại 68 xã, phường thuộc 8 tỉnh, thành phố tại Việt Nam gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng, Đắk Lắk, TP.HCM, An Giang, Sóc Trăng với sự tham gia của 5.300 người dân.

Các quan điểm

  • Có một chiến dịch tên là "Tôi đồng ý – I Do" do trung tâm ICS, Viện nghiên cứu iSEE, nhóm 6+ và cộng đồng LGBT Việt Nam phát động từ ngày 13.10.13 nhằm kêu gọi mọi người ủng hộ hôn nhân đồng giới.[19]. Trong số những người ủng hộ có nhà văn Nguyên Ngọc, với lý do: "luôn ủng hộ quyền bình đẳng của người thiểu số, trong đó có người đồng tính. Cuộc sống cần có sự nhân ái và lòng bao dung."[19]
  • Nhà văn Trang Hạ: "Có nhiều cách để được hạnh phúc, cách đơn giản nhất là đi tới, yêu người mình yêu. Có nhiều cách để được hạnh phúc, vì hạnh phúc không nhất thiết phải được trình diễn theo cùng một kiểu. Có nhiều lý do để chúng ta trân trọng bản thân. Nên cũng có rất nhiều lý do để chúng ta cần trân trọng cả những người khác nữa. Nên đây là quan điểm của tôi: Tôi đồng ý!"[20].}}
  • Phó giáo sư Phùng Trung Tập - Đại học Luật Hà Nội cho rằng: "Thừa nhận hôn nhân đồng tính không dựa vào kinh tế mà dựa vào tính loài, sinh con, đẻ cái. Gia đình là tế bào của xã hội, trong đó có quan hệ hôn nhân và quan hệ nuôi dưỡng. Vậy nên đứng từ dân trí, văn hóa, quan điểm sống, trật tự xã hội... của nước ta hiện nay, tôi cho rằng chưa nên thừa nhận hôn nhân đồng tính"[21]
  • Luật sư Hằng Nga (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng: "Hôn nhân đồng giới không giải quyết được những đòi hỏi của xã hội đối với gia đình, bởi gia đình, hôn nhân có một chức năng vô cùng quan trọng là duy trì nòi giống, là sinh sôi nảy nở. Sự đòi hỏi này vừa là quy luật tự nhiên, vừa là mục tiêu của gia đình. Mà gia đình lại là tế bào của xã hội, gia đình khỏe mạnh, đúng nghĩa, đất nước mới phát triển, bền vững được". Luật sư Nghiêm Diệu Thúy (Đoàn Luật sư Hà Nội) lập luận rằng nếu cổ súy cho hoạt động này, sẽ dẫn đến tâm lý a dua, hoặc tạo ra một trào lưu không lành mạnh và vô trách nhiệm với dòng tộc, cao hơn là với đất nước, bởi hôn nhân đồng tính không thể tạo ra những đứa con theo quy luật tự nhiên, không có được thế hệ tương lai cho đất nước[22].
  • PGS-TS Nguyễn Văn Tiệp, người nhiều năm nghiên cứu về vấn đề đồng tính, nói rằng: "Luật nên cho phép người đồng tính kết hôn để đảm bảo quyền con người và quyền công dân của họ, không thể làm khác. Không ai có quyền tước đoạt ở họ những gì họ có... Về mặt pháp lý thì người đồng tính là những con người và là công dân, họ đương nhiên được hưởng các quyền vốn có của con người và công dân một nước như những người bình thường khác. Vì vậy, họ được quyền kết hôn là việc bình thường. Hiện nay, xã hội cởi mở hơn thì người đồng tính có điều kiện bộc lộ mình, thể hiện những nhu cầu, khát vọng bình thường của một con người trong cuộc sống, được yêu và kết hôn, sống theo nhu cầu, sở thích... Những điều này là chính đáng". Ông cũng nêu thực trạng hiện nay, kiến thức về giới, sự khác biệt giới, vấn đề đồng tính không được giảng dạy trong trường phổ thông và thậm chí cả đại học, dẫn đến nhiều người Việt thiếu kiến thức về giới. Do đó, việc truyền thông và giáo dục về giới phải đặt ra như một chương trình quốc gia để mọi người có sự hiểu biết về người đồng tính.[23].
  • Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển xã hội, cho rằng: "Những người đồng tính muốn kết hôn là những người rất có trách nhiệm. Họ muốn được bình đẳng như tất cả những người khác. Hơn nữa người đồng tính chỉ có một tỷ lệ nhỏ trong xã hội. Tôi cho rằng không phải quá lo lắng đến các vấn đề như sinh con hay quan niệm truyền thống này khác. Chúng ta vẫn có đủ số em bé ra đời, và với sự tiến bộ của y học ngày nay người đồng tính vẫn có thể có những đứa con của chính họ...Pháp luật do con người tạo ra, nó cần được thay đổi, bổ sung để đáp ứng được sự phát triển của xã hội". Tiến sĩ Hồng cũng cho biết, thể chế xã hội và văn hóa giữa Việt Nam và Mỹ có nhiều điểm khác biệt. Nếu như ở Mỹ, vai trò chính của những bất đồng quan điểm nằm ở tôn giáo (như Thiên chúa giáo thì ở Việt Nam, vai trò chính nằm ở sự thiếu hiểu biết...TS Lê Bạch Dương cũng cho rằng, Việt Nam không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi tôn giáo như Mỹ. Do đó, chuyện chấp nhận một quan niệm mới sẽ không vấp phải những lực cản quá lớn[24].
  • Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc nói rằng: "Có những vấn đề phức tạp hơn chúng ta nghĩ, bởi cần đặt ra vấn đề là có còn gọi là gia đình khi 2 người đồng tính lấy nhau và không sinh con đẻ cái. Tôi cũng vừa nhận qua mạng 1 văn bản nhân việc Tổng thống Hoa Kỳ sắp thông qua luật đồng tính, có đặt ra vấn đề có nên gọi hôn nhân đồng tính không hay chỉ là cộng sinh đồng tính, sống chung với nhau... Tôi nghĩ chúng ta cần nghiên cứu kỹ nhưng định hướng thì không thay đổi, cần mang lại quyền cho họ". Theo ông, việc Bộ tư pháp lấy ý kiến Dự thảo luật trong việc mở rộng đường cho hôn nhân đồng tính là điều tích cực, và có rất nhiều sự lựa chọn khác nhau. Ông cho biết sẽ bỏ phiếu thuận nếu thông qua luật hôn nhân đồng tính.[25]
  • Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng: "Luật pháp không thể có kiểu quy định “không cấm cũng không thừa nhận”. Kết hôn đồng giới là một vấn đề xã hội được nhiều nước công nhận. Luật pháp phải rõ ràng, công nhận hay không bởi không cấm tức là được làm. Mà được làm thì Nhà nước phải công nhận. Nếu ta mạnh dạn vì quyền con người, vì các công ước quốc tế mà ta đã tham gia thì ta mạnh dạn công nhận luôn đi”[26]
  • Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến đã thay mặt Bộ Y tế đề xuất công nhận hôn nhân đồng tính. Ông Tiến cho biết: "Đứng ở góc độ quyền con người thì người đồng tính cũng có quyền sống, quyền ăn, ở, mặc, quyền được yêu thương và mưu cầu hạnh phúc. Đứng ở góc độ quyền công dân, họ được lao động, học tập, khám bệnh, chữa bệnh, khai sinh, khai tử, kết hôn…. có quyền và thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước và xã hội”. Việc cấm đoán dẫn đến rất nhiều người đồng tính thường không công khai giới tính thực của mình vì sợ sự kỳ thị, xa lánh từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Nhiều người đồng tính sống dưới một vỏ bọc khác, không sống thật với giới tính của mình. Sự lừa dối này gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho những người trong cuộc. Do đó, Bộ Y tế đề nghị công nhận hôn nhân đồng tính, vì đó là quyền con người.[27]
  • Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho hay: “Theo tôi, không nên công nhận đám cưới đồng tính. Bởi, trong xã hội, con người sinh ra, lớn lên và xây dựng mái ấm gia đình từ một nam, một nữ. Nó thể hiện sự xây dựng hạnh phúc và duy trì nòi giống. Vì chắc chắn rằng hai người nam hay hai người nữ kết hôn, sinh sống với nhau thì không có thiên chức sinh sản như bình thường. Hơn nữa, từ trước đến nay, Việt Nam không bao giờ công nhận hôn nhân đồng tính. Một cuộc hôn nhân đồng tính ở một góc độ nào đó là sự ích kỷ của hai người trong cuộc đối với xã hội này. Bởi hôn nhân là sự gắn kết thiêng liêng của hai người tự nguyện chung sống với nhau, họ yêu thương nhau và lấy nhau là điều bình thường nhưng hôn nhân còn có một nghĩa vụ đối với xã hội là tạo ra thế hệ tiếp theo cho xã hội. Hôn nhân đồng giới chỉ làm thỏa mãn hai người trong cuộc chứ chẳng hề giúp ích gì cho xã hội, cho đất nước cả”. Theo Luật sư Tiến, những người đồng tính sinh sống với nhau và nếu có sự tranh chấp thì có thể áp dụng theo Bộ luật Dân sự chứ không thể áp dụng Bộ luật Hôn nhân và Gia đình[28].
  • Hà Thị Thanh Vân – Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh: “Cần phải xem xét lại thuật ngữ kết hôn. Mục đích chính của kết hôn là sự kết hợp giữa nam và nữ nhằm giải quyết nhu cầu sinh lý và duy trì nòi giống, đó phải là hôn nhân dị tính. Việc cho phép hôn nhân đồng tính sẽ ảnh hưởng đến 22 triệu hộ gia đình Việt Nam. Bản thân tôi thấy không nên thay đổi luật”[29]
  • GS.TS Nguyễn Minh Thuyết tỏ ra hoan nghênh trước việc Bộ Tư pháp trưng cầu ý kiến về việc sửa đổi luật theo hướng công nhân kết hôn với người đồng tính. Ông nói: “Thực tế xã hội rất nhiều cặp đồng tính đã vượt qua rào cản xã hội và sinh sống với nhau. Tại sao chúng ta không có cái nhìn cởi mở hơn về vấn đề này. Bởi, người đồng tình cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc chứ".[28].
  • Ông Nguyễn Huy Quang, vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng: Cần sửa đổi Luật hôn nhân gia đình theo hướng cởi mở hơn khi nhìn nhận hôn nhân giữa những người đồng giới. “Nhu cầu được xây dựng hạnh phúc của những người thuộc giới tính thứ ba cũng là chính đáng và cần được tôn trọng. Việc Nhà nước thừa nhận hôn nhân của người đồng tính chính là khẳng định quyền được hưởng hạnh phúc gia đình, qua đó góp phần làm thay đổi nhận thức và giảm sự kỳ thị của xã hội với một nhóm người này”.[28].
  • Ông Nguyễn Am Hiểu – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế Bộ Tư pháp: “Hôn nhân đồng giới đang được dư luận rất quan tâm. Trên các diễn đàn đang bàn luận rất nhiều về vấn đề này". Ông Hiểu lấy ví dụ: “Trước đây quốc hội Tây Ban Nha thảo luận về hôn nhân đồng tính. Đa phần đều phản đối, chỉ có một đại biểu vốn là diễn viên ba lê nói nếu cấm hôn nhân đồng giới thì toàn bộ hoạt động ba lê trên thế giới cùng chấm hết. Không hiểu có phải do bản chất nghề nghiệp hay người đồng tính làm việc này tốt hay không mà quốc hội Tây Ban Nha đã thông qua luật hôn nhân đồng giới. Hiện nay trên thế giới xu hướng công nhận vẫn nhiều hơn”[30].
  • Hòa thượng Thích Thanh Quyết - Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Ninh ủng hộ công nhận hôn nhân đồng tính. Ông nói: “Theo tôi, việc quy định không cấm mà cũng không cộng nhân hôn nhận đồng giới là vấn đề rất lửng lơ, vì không cấm tức là được làm, như thế xử lý hậu quả pháp lý rất khó... Tôi đề nghị Quốc hội nên công nhận vì nó phù hợp với hiện tại và thể hiện tính nhân văn quảng đại, góp phần giảm sự kỳ thị đối với nhóm người này, đồng thời có cơ sở pháp lý để quản lý và giải quyết các hậu quả”.[31]
  • Tiến sĩ Nguyễn Văn Cừ - Giảng viên Đại học Luật Hà Nội, cho biết: “Cá nhân tôi chưa đồng ý hôn nhân đồng giới vì nó chưa phù hợp với phong tục tập quán người Việt”. Ông Cừ cho biết tuy có 19 nước trên thế giới công nhận hôn nhân đồng tính nhưng đó vẫn là con số quá ít ỏi, ở châu Á cũng chưa có nước nào cho phép người đồng tính kết hôn. "Luật đã quy định rõ ràng rồi, không cần thiết phải điều chỉnh luật để giải quyết hậu quả pháp lý trong việc chung sống của người đồng tính”, ông Cừ nhấn mạnh.[29]
  • Bà Nguyễn Phương Lan – giảng viên Đại học Luật Hà Nội nhận định cần phải có thái độ khác nhau với 2 xu hướng: đó là người đồng tính bẩm sinh và những người a dua, tâm lý đua đòi. Với người đồng tính bẩm sinh cần bảo vệ quyền lợi của họ nhưng cũng chỉ ở mức độ không ngăn cấm họ chung sống với nhau chứ không nên thừa nhận hôn nhân đồng tính[30].

Trong phiên họp chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định: "Hôn nhân đồng giới là một thực tế xã hội đang đòi hỏi, đây là vấn đề của toàn cầu, không thể “né” hôn nhân đồng giới", do đó cần nêu các ý kiến khác nhau ra để thảo luận, cân nhắc cặn kẽ[32]